Làm xét nghiệm Double Test rồi có cần làm Triple Test nữa không?
Double Test và Triple Test là hai trong số những xét nghiệm cơ bản giúp sàng lọc các hội chứng dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Do có nhiều điểm tương đồng về mức độ chính xác, nguyên lý xét nghiệm,…cho nên nhiều thai phụ thắc mắc rằng đã làm xét nghiệm Double Test rồi liệu có cần làm thêm Triple Test nữa hay không. Mời các mẹ bầu theo dõi bài viết dưới đây để nhận được giải đáp nhé.
1. Xét nghiệm Double Test là gì?
Double Test là một trong số những xét nghiệm phổ biến giúp phát hiện các bệnh di truyền bẩm sinh ở thai nhi. Sở dĩ được gọi là Double Test bởi xét nghiệm này thực hiện kiểm tra, định lượng nồng độ của 2 chất đó là β-hCG tự do và PAPP-A trong máu của mẹ bầu.
Kết quả Double Test
Thường bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm Double Test kết hợp với chỉ số đo độ mờ da gáy, tuổi của thai phụ,…để đánh giá về nguy cơ mắc 3 hội chứng dị tật phổ biến nhất ở thai nhi như Down, Edwards, Patau.
Thời điểm làm xét nghiệm
Theo chỉ định của các bác sĩ, Double Test nên được làm vào tuần thai từ 11-13. Đây là thời điểm vàng để kết quả xét nghiệm Double Test chính xác nhất.
2. Thế nào là xét nghiệm Triple Test?
Triple Test hay còn được biết tới với tên gọi là xét nghiệm bộ ba. Khác với Double Test, xét nghiệm Triple Test thực hiện định lượng nồng độ 3 chất trong máu mẹ đó là β-hCG tự do, AFP và uE3. Vượt trội hơn Double Test, xét nghiệm Triple Test không chỉ đánh giá nguy cơ của 3 hội chứng thường gặp là Down, Edwards, Patau mà còn cho biết thêm về nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh ở em bé. Để nhận được kết quả Triple Test chính xác nhất, các mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm trong khoảng tuần 16-18.
3. Làm xét nghiệm Double Test rồi có cần làm thêm Triple Test nữa không?
Theo tiến trình thời gian làm xét nghiệm thì Double Test sẽ được thực hiện trước Triple Test. Vì vậy nên có nhiều thai phụ thắc mắc rằng làm Double Test xong rồi có cần làm thêm Triple Test nữa hay không. Các mẹ bầu cần lưu ý, kết quả sàng lọc Double Test thường xảy ra 2 trường hợp sau đây. Vì thế nên, các thai phụ hãy căn cứ vào từng trường hợp để cân nhắc làm các xét nghiệm tiếp theo nhé.
Trường hợp 1: Nguy cơ thấp
Kết quả này nghĩa là thai nhi có nguy cơ thấp mắc các hội chứng dị tật bẩm sinh. Vì vậy, ba mẹ có thể tạm thời yên tâm rằng em bé hiện đang khỏe mạnh và không có gì đáng lo ngại cả. Nếu như kết quả Double Test kết hợp với siêu âm đều bình thường thì mẹ bầu không cần phải làm thêm xét nghiệm Triple Test nữa.
Trường hợp 2: Nguy cơ cao
Khi được trả kết quả sàng lọc Double Test là nguy cơ cao, các mẹ bầu chắc chắn phải tiến hành thêm một số xét nghiệm khác để theo dõi tình hình sức khỏe của em bé. Trong trường hợp này, mẹ có thể chọn làm xét nghiệm Triple Test hoặc sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT. Tuy nhiên, lời khuyên chân tình cho các thai phụ lúc này nên lựa chọn xét nghiệm NIPT để nhận kết quả sau 48h. Nhờ vậy mẹ bầu có thể an tâm hơn khi biết kết quả sớm mà không phải chờ đợi tới ngày làm Triple Test ở tuần thai 16-18.
Hơn thế nữa, kết quả NIPT còn giúp phát hiện những hội chứng do lệch bội NST hoặc vi mất/lặp đoạn NST.
Trường hợp Double Test nguy cơ cao – NIPT nguy cơ thấp: Thai phụ cần kết hợp với kết quả siêu âm, nếu siêu âm không phát hiện bất thường, thai phụ có thể an tâm chăm sóc thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trường hợp Double Test nguy cơ cao – NIPT nguy cơ cao: Thai phụ cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra tình trạng của thai nhi chính xác.
Kết luận
Như vậy, lời khuyên dành cho các mẹ bầu là nên thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo rằng em bé được mạnh khỏe khi chào đời. Theo Quyết định 1807/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh “Khuyến cáo: tuần thai để thực hiện xét nghiệm NIPT nên ≥ 10 tuần sau khi có kết quả siêu âm thai và được chuyên gia tư vấn di truyền tư vấn để có chỉ định phù hợp. Xét nghiệm này có thể thay thế xét nghiệm PAPP-A và free beta hCG hoặc bổ sung cho các xét nghiệm trên tùy theo trường hợp.”