[Góc thắc mắc]
"Kết quả xét nghiệm NIPT có chính xác không?"
- [Giải đáp từ giới khoa học] -
Các số liệu thống kê về hiệu suất đã chứng minh rằng NIPT là một xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao. Tuy nhiên, xét nghiệm này không thể được coi là chẩn đoán.
* Xét nghiệm NIPT có độ nhạy cao đối với 3 hội chứng Down (T21), Edwards (T18), Patau (T13)
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT) sử dụng DNA tự do (cfDNA) trong huyết tương người mẹ có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao khi sàng lọc Trisomy 21, 18 và 13.
Trong một phân tích tổng hợp lớn, độ nhạy (tỷ lệ phát hiện) đối với T21, T18, T13 lần lượt là 99,7%, 97,9% và 99,0%, trong khi đó tỷ lệ dương tính giả (FPR) chỉ là 0,04% cho mỗi hội chứng. FPR tích lũy là 0,12% có nghĩa là chỉ khoảng 1/830 trường hợp mang thai được xét nghiệm sẽ nhận được kết quả dương tính giả cho bất kỳ hội chứng nào kể trên.
Ngược lại, hiệu suất sàng lọc hội chứng XO thấp hơn, với độ nhạy là 95,8% và tỷ lệ dương tính giả là 0,14%.
Các số liệu thống kê về hiệu suất này đã xác nhận rằng NIPT là một xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao. Tuy nhiên, xét nghiệm này KHÔNG thể được coi là chẩn đoán.
* Nguyên nhân sinh học khiến cho kết quả NIPT không chính xác
a) cfDNA của thai nhi có nguồn gốc từ nhau thai
CfDNA của thai nhi được giải phóng vào máu mẹ từ các tế bào nguyên bào nuôi (cytotrophoblast) đang trải qua quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptosis). Do đó, NIPT chủ yếu phân tích cfDNA từ các lớp tế bào bên ngoài của nhung mao màng đệm; về cơ bản đây là kỹ thuật ‘sinh thiết lỏng’ của thai nhi.
Ai cũng biết rằng cấu tạo nhiễm sắc thể của tế bào nhau thai có thể khác với của thai nhi. Đây được gọi là hiện tượng khảm khu trú bánh nhau (Confined placental mosaicism – CPM) và xảy ra khi nhau thai có bất thường về nhiễm sắc thể nhưng thai nhi lại có nhiễm sắc thể bình thường.
CPM là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến kết quả NIPT dương tính giả và xảy ra thường xuyên hơn đối với thể trisomy 13 và monosomy X (XO) hơn là đối với trisomy 18 hay trisomy 21.
Khả năng khẳng định hội chứng nhiễm sắc thể ở thai nhi giảm đáng kể khi có bằng chứng của thể khảm khu trú bánh nhau. Những kiến thức này sau đó có thể được sử dụng để giúp bệnh nhân lựa chọn xét nghiệm theo dõi thích hợp nhất. Ví dụ, thực hiện chọc dò ối thay vì sinh thiết gai nhau (Chorionic villus sampling – CVS).
b) Khảm nhau thai là nguyên nhân gây ra kết quả âm tính giả
Khảm nhau thai hiếm khi có thể dẫn đến kết quả NIPT bị âm tính giả. Trường hợp này chỉ xảy ra khi tế bào nguyên bào nuôi của nhau thai chủ yếu bình thường trong khi thai nhi có bất thường về nhiễm sắc thể.
Chúng tôi đã điều tra một số kết quả trisomy 18 âm tính giả và một kết quả trisomy 21 âm tính giả do tỷ lệ tế bào bình thường trong nhau thai cao. Loại khảm nhau thai này có thể dẫn đến kết quả âm tính giả mặc dù nồng độ cfDNA của thai nhi ở mức trung bình hoặc thậm chí cao trong các mẫu này.
c) Thể khảm khu trú bánh nhau và hiện tượng kết quả NIPT không tương hợp
Rất hiếm khi khảm nhau thai có thể gây ra hiện tượng kết quả NIPT không tương hợp. Chúng tôi đã thấy một trường hợp có kết quả nguy cơ cao với hội chứng XO trong khi đó thai nhi có kết quả nhiễm sắc thể đồ (karyotype) là 47, XYY.
Phát hiện bất thường này có thể được giải thích là do hợp tử (46, XY) phân chia sai nhiễm sắc thể Y trong lần phân bào đầu tiên sau khi thụ thai. Điều này dẫn đến hình thành 2 dòng tế bào (45, XO) và (47, XYY). Dòng tế bào (45, XO) đóng góp vào phần lớn nguyên bào sinh dưỡng của nhau thai, trong khi khối lượng tế bào bên trong và tế bào tiền thân của bào thai được tạo nên bởi dòng tế bào (47, XYY). Lỗi này gây ra kết quả dương tính giả cho hội chứng XO và kết quả âm tính giả cho hội chứng (47, XYY) trong cùng một mẫu NIPT. Điều này cho thấy rõ ràng sự phức tạp của thể khảm trong giai đoạn đầu phôi thai.
d) Hội chứng song thai tiêu biến (Vanishing twin)
Hội chứng song thai tiêu biến xuất hiện sớm hơn trong thai kỳ có thể gây ra kết quả NIPT dương tính giả do thai ngừng phát triển có mang hội chứng Trisomy. Điều này là do các tế bào của thai đã ngừng phát triển tiếp tục giải phóng cfDNA vào máu mẹ. Hiện tượng này có thể xảy ra trong nhiều tuần kể từ khi 1 thai ngừng phát triển và cũng phụ thuộc vào tuổi thai. Thời điểm thai ngừng phát triển càng muộn thì cfDNA càng tồn tại lâu hơn.
e) Khảm nhiễm sắc thể ở người mẹ
Trung bình, các mẫu NIPT được thu ở tuần thai thứ 10-12 chứa ~90% cfDNA của mẹ và ~10% cfDNA của nhau thai. Khảm nhiễm sắc thể mức độ thấp của người mẹ đôi khi có thể làm sai lệch kết quả. Điều này đặc biệt đúng khi người mẹ mang thể khảm XO mức độ thấp.
Bên cạnh khảm nhiễm sắc thể giới tính ở mẹ, chúng tôi cũng đã thấy các kết quả NIPT không tương hợp do thể khảm tam nhiễm ở người mẹ, thể khảm biến thể số lượng bản sao và cấy ghép mô của người hiến tặng không cùng giới tính. Thể khảm ở người mẹ xảy ra khá thường xuyên, nhưng không phải lúc nào cũng bị nghi ngờ là nguyên nhân của những phát hiện trái ngược này.
Cuối cùng, bệnh ác tính ở người mẹ có thể là một nguyên nhân hiếm gặp dẫn đến kết quả NIPT bất thường.
* Tổng kết
Mặc dù NIPT thường được giới thiệu là xét nghiệm có độ chính xác >99%, nhưng thể khảm ở nhau thai và người mẹ có thể dẫn đến kết quả sàng lọc dương tính giả. Vấn đề kỹ thuật cũng có thể dẫn đến các kết quả không chính xác.
Do đó, kết quả NIPT không bao giờ được xem xét một cách riêng lẻ. Xét nghiệm chẩn đoán được khuyến khích để xác nhận các kết quả nguy cơ cao.